CÁC LOẠI BỆNH TRÊN RAU MÀU VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Rau màu là tên gọi chung của các nhóm rau, củ, quả. Là loại thực phẩm chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất, chất xơ rất tốt cho sức khỏe và được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hằng ngày. Rau màu dễ trồng và có thời gian sinh trưởng ngắn tuy nhiên vấn đề khó khăn trong quá trình chăm sóc là đối phó với các loại sâu bệnh gây hại, đặc biệt là các loại nấm bệnh và vi khuẩn gây hại làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trong giai đoạn cây phát triển từ cây con đến khi thu hoạch. Các loại nấm bệnh gây hại có tốc độ lây lan rất nhanh do đó nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của mùa vụ. Bên cạnh đó, việc phòng trừ cũng sẽ trở nên khó khăn hơn làm tăng chi phí và công sức của nhà vườn. Mời bà con theo dõi bài viết dưới đây để cùng tìm hiểu về các loại bệnh gây hại trên rau màu và biện pháp phòng trừ.

                                      

1. Bệnh sương mai:

♦ Đặc điểm của bệnh:

Bệnh sương mai trên rau màu do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra. Chúng tồn tại trên tàn dư của cây từ những mùa vụ trước. Bệnh sẽ gây hại ở lá, rồi đến thân và trái.

 

Nấm lan truyền qua không khí và thường gây hại mạnh cho cây trong điều kiện thời tiết của vụ thu đông, đông xuân. Phát triển trong điều kiện thời tiết có mưa phùn hoặc sương muối, trời âm u.

Bào tử nấm phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ thấp từ 20-22o C, độ ẩm trên 80% . Vào ban đêm, nhiệt độ vừa phải, khoảng từ 15 -18ºC kèm độ ẩm không khí cao là điều kiện rất thuận lợi giúp nấm bệnh sương mai phát triển.

Bệnh phát triển mạnh trên những vườn cây chăm sóc kém, bón phân không cân đối, bón thừa đạm. Đất trồng thấp, ẩm ướt, thoát nước kém, ẩm độ cao khi mưa phùn, sương mù, áp dụng biện pháp tưới phun mưa cho cây khi trồng với mật độ quá dày cũng tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.

 

♦ Biểu hiện của bệnh:

Bệnh hại các bộ phận lá, thân, quả nhưng chủ yếu là gây hại trên lá.

- Trên lá: Khi cây bị nấm bệnh sương mai tấn công, ở mặt trên và mặt dưới của lá thường xuất hiện những chấm nhỏ màu vàng. Sau đó chúng chuyển sang màu nâu ,bệnh gây hại từ mép lá trước lan rộng ra chạy dọc đến phần gân lá. Vết bệnh có hình thù bất định, thường là hình đa giác. Mặt dưới của lá, bệnh nặng vết bệnh xuất hiện có những lớp mốc màu trắng xám như sương ở mặt dưới lá xung quanh vùng bệnh.

 

Bệnh chuyển nặng sẽ khiến lá hoàn toàn bị biến dạng, trở nên khô và dễ rách. Sau đó lá bị uốn cong lên, rụng sớm khiến cây kém phát triển. Vị trí nhiễm bệnh và vị trí không nhiễm bệnh trên lá không có ranh giới. Vết bệnh thường có một lớp mốc xám phủ lên trên.

 

- Trên thân, cành bệnh sẽ phát triển trên từng đoạn dài, lúc đầu có màu nâu hoặc thâm đen, sau đó bị thối. Khi ẩm ướt trên vết bệnh có lớp nấm trắng như sương muối bao phủ, phía trên chỗ bị bệnh lá héo dần; cành, thân dễ bị gãy làm tàn cây xơ xác.

 

- Trên trái thường bị nhiều ở phần nửa trên, không có hình dạng nhất định, vết bệnh là những đốm ướt, xanh xám đến nâu sẫm, cứng và nhăn. Vết bệnh trên củ có màu nâu ăn sâu vào bên trong ruột cũ. Sau một thời gian vết bệnh có một lớp nấm trắng xốp.

 

2. Bệnh phấn trắng:

♦ Nguyên nhân gây bệnh:

Bệnh do nấm Erysiphe cichoracearum De Candolle gây ra. Bệnh xuất hiện trong điều kiện thời tiết ít nắng, khí hậu ẩm ướt, ẩm độ cao. Trong thời kì cây sinh trưởng, bệnh sẽ lây lan nhanh bằng bào tử thông qua không khí và theo chiều gió.

 

Bào tử nảy mầm thuận lợi ở nhiệt độ 20-240C và ẩm độ không khí cao. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể phát triển được trong điều kiện khô hạn. Nấm bệnh thường tồn tại trong hạt giống cũng như trong tàn dư cây bệnh.

Bệnh có thể xuất hiện tại những vườn chăm sóc kém, bón phân không cân đối, vườn cây rậm rạp, thiếu ánh sáng.

♦ Dấu hiệu nhận biết:

Bà con có thể dễ dàng nhận biết bệnh phấn trắng trên cây trồng thông qua các lớp phấn trắng bọc bên ngoài cả 2 mặt của lá cây, đôi khi là hoa, quả hay thậm chí là thân cây.

Ban đầu sẽ xuất hiện những đốm nhỏ, tròn màu trắng trên lá dần về sau vết bệnh lớn lên loan dần ra không có hình dạng rõ rệt. Về sau có hình dạng móp méo; chuyển sang màu nâu hoặc vàng, lá dần khô héo và rụng đi. Cây mắc bệnh trở nên suy yếu dần do thiếu lá quang hợp, hấp thụ oxy; nếu không được điều trị kịp thời cây sẽ mất khả năng hồi phục.

 

Nấm bệnh hút tất cả các chất dinh dưỡng của lá cây và các bộ phận khác của cây, làm lá bị biến màu, khô, rụng dần và làm giảm khả năng quang hợp của cây, cây không thể vận chuyển được nước và dưỡng chất để nuôi các bộ phận. Nếu bệnh trở nặng sẽ làm cây bị suy yếu, còi cọc, đề kháng thấp, không ra hoa, quả và cây chết dần đi.

 

3. Bệnh héo xanh:

♦ Nguyên nhân và điều kiện phát sinh:

- Bệnh do vi khuẩn Pseudomonas solanacearum gây ra, chúng có nhiều chủng loại và tồn tại trong đất, tàn dư, hạt giống cây bị nhiễm bệnh và cỏ dại. Có thể tồn tại trong tàn dư cây bệnh từ trên 6 tháng, và trong đất trên 1 năm.

 

- Bệnh phát triển vào giai đoạn cây ra hoa, đậu trái và trái đã lớn.

- Vi khuẩn có thể lây lan thông qua gió, nước, cây giống, dụng cụ làm vườn, tỉa cành, qua các vết thương do côn trùng hoặc vết xây xát trong quá trình chăm sóc.

- Vi khuẩn xâm nhập qua vị trí vết thương trên rễ, thân cây, sau đó tấn công vào mạch dẫn của cây và di chuyển theo mạch dẫn làm hư bó mạch khiến cho cây trồng không thể vận chuyển nước và chất dinh dưỡng để nuôi cây dẫn đến hiện tượng héo và chết.

- Bệnh héo xanh phát triển mạnh và lây lan nhanh trong điều kiện độ ẩm cao, nhiệt độ cao và mưa nhiều. Phát triển trong điều kiện nhiệt độ từ 24-37oC, độ pH đất cao từ 7-7.2

- Bệnh thường phát triển trên những vùng đất như đất cát pha, đất thịt nhẹ, trên ruộng trồng thoát nước kém hoặc thường xuyên tưới nước quá ẩm ướt, trên những vùng đất trước đó đã nhiễm vi khuẩn héo xanh, đặc biệt hơn là các vườn bị côn trùng tấn công rễ cây.

 

♦ Dấu hiệu nhận biết:

- Vi khuẩn xâm nhiễm giai đoạn cây còn nhỏ làm toàn bộ lá héo rũ một cách nhanh chóng và đột ngột, cây bị héo trong khi lá vẫn còn xanh.

 

- Trên cây đã lớn, triệu chứng héo rũ thường biểu hiện trên một hoặc vài cành, sau từ 2 - 5 ngày, triệu chứng héo sẽ biểu hiện trên toàn bộ cây.

 

- Nếu nhổ cây lên ta thấy phần thân và rễ cây bị thối đen, mềm nhũn. Khi cắt ngang một đoạn thân hoặc cành sẽ thấy mạch dẫn có màu nâu sẫm. Ngâm đoạn thân (hoặc cành) mới cắt vào trong nước sẽ thấy dòng dịch khuẩn dạng sợi màu trắng đục chảy ra từ mặt vết cắt. Đây là một trong những đặc điểm để chẩn đoán nhanh bệnh héo xanh do vi khuẩn.

 

- Hiện tượng héo thường xảy ra ban ngày khi trời nắng, ban đêm cây tươi trở lại, sau vài ngày bị bệnh cây không hút được nước do bộ rễ đã bị thối, không có khả năng phục hồi, cây sẽ bị héo rũ hoàn toàn mà không chuyển sang màu vàng.

 

Biện pháp phòng trừ:

- Trước khi bắt đầu vụ mùa mới, cần dọn sạch cỏ dại, tiêu hủy tàn dư thực vật, cày bừa, phơi ải đất, bón vôi, xử lý đất để tránh các loại nấm bệnh và vi khuẩn tồn tại trong đất.

- Sử dụng hạt giống, cây giống khỏe, sạch bệnh, phù hợp với điều kiện nơi trồng.

- Trồng cây với mật độ phù hợp, không trồng với mật độ quá dày tránh cho vườn rậm rạp, độ ẩm cao tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển.

- Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm sự xuất hiện của các loại nấm bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời tránh để bệnh gây hại nặng rồi mới bắt đầu phòng trị.

- Thường xuyên cắt tỉa cành, cắt tỉa cành lá già yếu, cành lá sâu bệnh, cành nằm sát mặt đất để tránh lây lan sâu bệnh hại, tạo độ thông thoáng cho vườn, cây có đủ không gian để sinh trưởng và phát triển tốt.

- Tưới nước hợp lý cho cây, tránh để đất quá khô hay quá ướt trong thời gian dài, hạn chế nước đọng quá nhiều tại vùng gốc cây. Trồng cây trên luống cao để đảm bảo thoát nước tốt khi có mưa hoặc sau khi tưới, tránh để nước đọng gây ngập úng. Nên tưới rau bằng vòi phun sương tránh tưới dí có thể làm dập nát lá hoặc đỗ ngã thân rau.

- Bón phân cân đối cho cây, bà con nên sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh để bón cho cây, giúp cung cấp chất dinh dưỡng, giúp cây xanh khỏe, tăng sức đề kháng.

+ Đối với bệnh sương mai và bệnh phấn trắng bà con có thể sử dụng 1 chai thuốc PHÒNG BỆNH và 2 gói thuốc TRỊ BỆNH pha với 500-600 lít nước.

+ Đối với bệnh héo xanh bà con có thể sử dụng 2 gói thuốc PHÒNG TRỊ BỆNH kết hợp với 2-3 chai thuốc SẠCH BỆNH và 1 chai thuốc SÂU MỌT RỆP pha với 800-1000 lít nước.

*** Khuyến khích nhà vườn thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách khi sử dụng thuốc.

*** Khuyến khích bà con trang bị dụng cụ bảo hộ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi phun xịt thuốc.

Kính chúc quý ông bà cô chú anh chị nhà vườn sẽ có vụ mùa năng suất cao và bội thu!

► Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết này. Nếu muốn tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác, xin mời các bạn truy cập vào trang web Thiên Hà WTO của chúng tôi mỗi ngày nhé !  

 Nguồn : Thiên Hà WTO Tổng Hợp.   


THIÊN HÀ WTO TẬN TÂM - UY TÍN - CHẤT LƯỢNG

Mọi thắc mắc Nhà Nông xin liên hệ :

CÔNG TY CP XNK THIÊN HÀ WTO️ 

Địa chỉ: Đường số 4, KDC Tây Đô Ecopark, Ấp Phú Thạnh, Xã Tân Phú Thạnh, Huyện Châu Thành A, Tỉnh Hậu Giang.

Hotline: 0785.288.289 - 0702.269.289

XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN.

 

 

- Bài viết đã được phê duyệt bởi CTy CP XNK Thiên Hà WTO

- Người đăng bài : Hồng Xuyên

Giỏ hàng Hotline Facebook Messenger Zalo Zalo