CÁC LOẠI BỆNH TRÊN CÂY CÓ MÚI VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Các loại quả của cây có múi như cam, chanh, quýt, bưởi,… rất được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon và mang đến lợi ích về sức khỏe, cung cấp vitamin, chất xơ và khoáng chất cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cây có múi cũng góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Chính vì thế diện tích trồng cây có múi tại các tỉnh đang dần tăng lên. Để cây phát triển tốt và cho năng suất cao đòi hỏi bà con phải bỏ công chăm sóc và chi phí đầu tư lớn. Trong suốt quá trình phát triển từ giai đoạn từ cây con đến cây trưởng thành cây có múi không tránh khỏi tình trạng bị các loại nấm bệnh tấn công. Khi cây nhiễm bệnh sẽ làm giảm năng suất, gây ảnh hưởng đến chất lượng nông sản, làm giảm giá trị thương phẩm của trái và gây thiệt hại về kinh tế cho nhà vườn. Để đảm bảo chất lượng quả và năng suất mùa vụ, bà con cần nắm được cách nhận biết bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Xin mời bà con cùng theo dõi bài viết ngày hôm nay để cùng tìm hiểu về các loại bệnh thường gặp trên cây có múi.

 

1. Bệnh thán thư.

Điều kiện phát sinh:

- Bệnh thán thư do nấm Colletotrichum sp. gây ra. Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao. Điều kiện nhiệt độ thích hợp để bệnh phát triển từ 23-25oC.

- Nấm bệnh thường tồn tại trên tàn dư thực vật, các bộ phận bị bệnh. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh, có thể lây lan từ cây này sang cây khác theo gió, nước mưa, nước tưới. Các cành, trái nằm khuất trong tán cây thường bị bệnh nặng hơn.

- Bệnh thường xuất hiện ở những vườn chăm sóc kém, bón phân không cân đối, bón thừa đạm. Vườn trồng cây mới mật độ dày, vườn rậm rạp, um tùm sẽ rất dễ phát sinh nấm bệnh.

 

Triệu chứng bệnh thán thư trên cây có múi:

- Trên Lá: Nấm gây bệnh thán thư thường xuất hiện ở phần chóp lá và rìa lá. Chúng sẽ tạo ra các vết màu vàng nâu, hình tròn, phần trung tâm vết bệnh là những vòng tròn đồng tâm và khi lan rộng, chúng có thể trở nên lớn hơn và gây hại nặng. Vùng xung quanh viền lá thường có màu nâu đậm và có các chấm đen nhỏ li ti. Nếu bệnh kéo dài, các vết bệnh có thể kết hợp lại làm lá bị cháy và rụng, gây hại đến sự phát triển của cây.

- Trên hoa: Vết bệnh ban đầu là những đốm nhỏ màu hồng nhạt trên cánh hoa ,sau đó vết bệnh đen dần lan rộng ra cả bề mặt cánh hoa và xuất hiện các vết phồng rộp trên cánh hoa, vết phồng sau đó xẹp xuống, khô và bị rụng.

- Trên Trái: Trên trái cây có múi, các triệu chứng đầu tiên bao gồm các vết đốm nhỏ, màu vàng nhạt và vỏ trái hơi lõm vào bên trong. Vùng vỏ bệnh thường khô, sần sùi. Khi quả bị nứt thì ngay vết bệnh sẽ thấy nhựa chảy ra trong điều kiện ẩm độ cao. Trái có thể bị thối. Nấm bệnh có thể gây hại trên cành non làm cành bị héo khô.

 

2. Bệnh vàng lá gân xanh.

Điều kiện phát sinh:

- Bệnh do vi khuẩn Liberobacter asiaticum gây ra. Chúng sống trong mạch dẫn của cây, làm tắt nghẽn quá trình vận chuyển dinh dưỡng, làm thiệt hại đến sự sinh trưởng, phát triển của cây, ảnh hưởng năng suất, phẩm chất trái.

- Bệnh được lan truyền do loại côn trùng có tên là rầy chổng cánh làm vector truyền bệnh. Trong quá trình hút nhựa của lá cây, loại côn trùng này sẽ để lại vi khuẩn gây bệnh trên cây. Sau đó, vi khuẩn này nhanh chóng di chuyển đến phần rễ của cây để sinh sản rồi phá hủy hệ thống rễ và lây sang những phần còn trên cây ký chủ, làm cho cây trở nên còi cọc, xấu xí và trái xanh, nhỏ, không đạt chất lượng khi bán ra thị trường. 

- Ngoài ra bệnh vàng lá gân xanh còn được lây qua các mắt ghép trên cây. Vi khuẩn gây bệnh nằm trong mô libe của cây mẹ đã mang mầm bệnh nên khi nhân giống bằng các phương pháp chiết, ghép vô tính, gốc ghép, mắt ghép thì cây con sẽ bị bệnh. Vi khuẩn gây bệnh vàng lá gân xanh làm cây bị rối loạn sinh lý, làm tắc nghẽn quá trình vận chuyển dinh dưỡng trong cây. Hầu hết các cây mắc bệnh vàng lá gân xanh sẽ chết trong vòng vài năm nếu không được chữa trị dứt điểm.

- Các vườn cây chăm sóc kém, bón phân không cân đối, vườn cây trồng với mật độ dày, vườn rậm rạp, vườn bị ngập úng, mất cân đối dinh dưỡng sẽ dễ bị nhiễm bệnh nặng hơn.

Triệu chứng bệnh vàng lá gân xanh trên cây có múi:

- Trên lá: Phiến lá hẹp và nhọn như hình tai thỏ, khoảng cách giữa các lá ngắn lại, lá có màu vàng nhưng gân chính và gân phụ vẫn còn xanh.

- Trên trái: Trái nhỏ hơn bình thường, méo mó, khi bổ dọc trái ra thì tâm trái bị lệch hẳn sang một bên, trái chín ngược, hạt thường bị thối và có màu nâu. Cây ra hoa nhiều đợt, trên cùng một nhánh cây vừa mang trái vừa có hoa.

- Rễ: Khi bị bệnh hệ thống rễ cây cũng bị thối nhiều, đa số những rễ tơ bị mất đi chỉ còn lại hệ thống rễ chính, thậm chí rễ chính cũng thối.

 

3. Bệnh ghẻ.

3.1 Bệnh ghẻ lồi.

Điều kiện phát sinh:

- Bệnh do nấm Elsinoe fawcetti Bitan.et jenk gây ra. Nấm có thể phát triển ở điều kiện nhiệt độ từ 15-28oC. Tuy nhiên nhiệt độ thích hợp nhất để nấm phát triển là 20 -24oC

- Bào tử nấm bệnh lây lan từ các vết bệnh trên cành, lá và trái. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh.

- Bệnh phát tán và lây lan bào tử thông qua gió, nước mưa và nước tưới. Bệnh thường gây hại nặng trên những chồi, lá non, quả non.

- Điều kiện nóng ẩm và nhiệt độ thấp trong mùa mưa, đặc biệt là thời điểm giao mùa và những ngày có nắng mưa xen kẽ là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển.

- Ngoài ra khả năng nhiễm bệnh của cây còn phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc, điều kiện đất đai, tưới tiêu… Cây được chăm sóc tốt, dinh dưỡng cân đối sẽ nâng cao sức đề kháng, cây ít nhiễm bệnh.

                                                        

Triệu chứng ghẻ lồi trên cây có múi

- Trên lá: Vết bệnh ban đầu là đốm nhỏ màu vàng nổi gò lên bề mặt. Vết bệnh về sau có màu hồng nâu, vẫn tiếp tục gò lên bề mặt lá, mặt dưới lá lõm vào. Bị ghẻ lồi nặng lá có triệu chứng biến dạng, co rúm lại và nhăn nheo.

- Trên trái: Đặc biệt là trái non, nổi các gò sần sùi hình chóp nhọn, có màu vàng nâu. Vết ghẻ hoá bần, riêng biệt phân tán hoặc nối nhau làm vỏ trái dày bị méo mó và biến dạng trái.

- Trên cành: Vết bệnh to hơn, kéo dài, rời rạc hoặc tập trung dày đặc. Vết bệnh ghẻ nhám làm khô cành, rụng lá. Nếu bị trên bầu hoa, vết bệnh sẽ có màu xanh nhạt hoặc xám, nặng làm rụng bầu hoa.

3.2 Bệnh ghẻ lõm.

Điều kiện phát sinh:

- Bệnh do nấm Phyllosticta citricarpa gây ra.

- Bào tử nấm bệnh có thể phát tán nhờ nước mưa, nước tưới và gió, bào tử theo gió có thể di chuyển xa đến 25m.

- Sâu vẽ bùa cũng là môi giới truyền bệnh, chúng tấn công trên lá non, đọt và cành non tạo ra vết thương, dễ làm vi khuẩn xâm nhập tạo thành bệnh ghẻ.

Triệu chứng ghẻ lõm trên cây có múi:

- Trên lá: Ban đầu triệu chứng là những vết nâu đỏ nhỏ, hơi gò. Sau đó, vết bệnh bị hoại tử, lõm xuống, tâm giữa vết bệnh màu xám, rìa xung quanh màu nâu đen.

- Trên trái: Ban đầu vết bệnh có hình tròn nhỏ, lõm xuống, tâm giữa vết bệnh màu xám, rìa xung quanh màu nâu đen, có quầng xanh nhạt xung quanh. Khi vết bệnh về già xuất hiện chấm đen hơi nhô cao.

3.3 Bệnh ghẻ loét:

Điều kiện phát sinh:

- Bệnh do nấm Xanthomonas campestris pv. Citri gây ra.

- Vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập qua khí khổng và các vết thương tạo ra do sâu vẽ bùa, do tác động của gió, vết thương do lúc thu hoạch...Bệnh gây hại phổ biến trên lá bánh tẻ và lá già. Các triệu chứng thường xuất hiện sau 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh.

- Vi khuẩn gây bệnh tồn tại trên các vết bệnh cũ và các lá đã rụng, các tế bào vi khuẩn có thể phát tán nhờ vào nước mưa và nước tưới, côn trùng. Bệnh gây hại và phát triển mạnh vào mùa mưa khi nhiệt độ từ 26 – 35 độ C và độ ẩm cao.

Triệu chứng ghẻ loét trên cây có múi

- Trên lá: Vết bệnh là những đốm màu nâu, xung quanh là viền sáng, quầng vàng. Các vết bệnh khi liên kết lại làm lá vàng và rụng hàng loạt.

- Trên trái: Vết bệnh có gờ nổi lên ở mép ngoài rìa vết bệnh. Vị trí loét không ăn quá sâu vào thịt trái. Bệnh ghẻ loét nặng làm trái khô, biến dạng và ít nước.

 

Biện pháp phòng trừ:

- Chọn cây giống khỏe, sạch bệnh, phù hợp với điều kiện nơi trồng.

- Trồng cây với mật độ phù hợp, không trồng với mật độ quá dày tránh cho vườn rậm rạp, độ ẩm cao tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển. Cây có đủ không gian để sinh trưởng và phát triển tốt.

- Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm sự xuất hiện của các loại nấm bệnh và có biện pháp xử lý kịp thời tránh để bệnh gây hại nặng rồi mới bắt đầu phòng trị.

- Thường xuyên cắt tỉa cành, cắt tỉa cành lá già yếu, cành lá sâu bệnh, cành nằm sát mặt đất để tránh lây lan sâu bệnh hại, tạo độ thông thoáng cho vườn, đảm bảo cho ánh sáng có thể chiếu đến tất cả các bộ phận của cây giúp cây quang hợp tốt.

- Dọn dẹp, vệ sinh vườn, thu gom tàn dư sau mỗi vụ thu hoạch. Khi phát hiện bệnh cần cắt tỉa các bộ phận bị bệnh và mang đi tiêu hủy để tránh lây lan.

- Tưới nước hợp lý cho cây, tránh để đất quá khô hay quá ướt trong thời gian dài, hạn chế nước đọng quá nhiều tại vùng gốc cây. Nên có hệ thống thoát nước tốt để tránh ứ đọng nước gây ngập úng.

- Bón phân cân đối cho cây, tránh lạm dụng các loại phân hóa học và thuốc có tính nóng. Bà con nên sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh để bón cho cây, giúp cung cấp chất dinh dưỡng, giúp cây xanh khỏe, phát triển tốt, tăng sức đề kháng.

- Thường xuyên kiểm tra vườn vào những giai đoạn cây trồng mẫn cảm với bệnh: khi cây đang đọt non, khi nhú mầm hoa và khi trái già sắp chín, sau những trận mưa lớn hoặc những ngày có nắng mưa xen kẽ

Nhà vườn có thể sử dụng các loại thuốc có chứa các hoạt chất như DIFENOCONAZOLE, PROPICONAZOLE, DIMETHOMORPH, MANCOZEB, CHLOROTHALONIL, HEXACONAZOLE,… để phun cho cây giúp phòng trừ các loại nấm bệnh và vi khuẩn trên cây có múi.

*** Khuyến khích nhà vườn thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách khi sử dụng thuốc.

*** Khuyến khích bà con trang bị dụng cụ bảo hộ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi phun xịt thuốc.

Kính chúc quý ông bà cô chú anh chị nhà vườn sẽ có vụ mùa năng suất cao và bội thu!

► Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết này. Nếu muốn tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác, xin mời các bạn truy cập vào trang web Thiên Hà WTO của chúng tôi mỗi ngày nhé !  

 Nguồn : Thiên Hà WTO Tổng Hợp.   


THIÊN HÀ WTO TẬN TÂM - UY TÍN - CHẤT LƯỢNG

Mọi thắc mắc Nhà Nông xin liên hệ :

CÔNG TY CP XNK THIÊN HÀ WTO️ 

Địa chỉ: Đường số 4, KDC Tây Đô Ecopark, Ấp Phú Thạnh, Xã Tân Phú Thạnh, Huyện Châu Thành A, Tỉnh Hậu Giang.

Hotline: 0785.288.289 - 0702.269.289

XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN.

 

 

- Bài viết đã được phê duyệt bởi CTy CP XNK Thiên Hà WTO

- Người đăng bài : Hồng Xuyên

Giỏ hàng Hotline Facebook Messenger Zalo Zalo