BỆNH ĐỐM ĐEN TRÊN HOA HỒNG VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Loài hoa hồng là một loài hoa phổ biến và được yêu thích trên khắp thế giới. Các đặc điểm chung của hoa hồng bao gồm có thân cây thẳng đứng, lá mọc đối xứng, hoa có nhiều cánh hoa và thường có mùi thơm đặc trưng. Ngày nay, hoa hồng được trồng và sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Các loài hoa hồng khác nhau được trồng để sử dụng làm quà tặng, trang trí, hoặc trong các sự kiện đặc biệt như cưới hỏi.

 

Để có được một vườn hoa hồng phát triển tốt thì quý nhà vườn phải bỏ ra nhiều công sức chăm sóc, vì cây sẽ gặp phải nhiều loại nấm bệnh tấn công, trong đó có bệnh đốm đen, loại bệnh này rất nguy hại cho cây. Xin kính mời quý nhà vườn theo dõi bài viết ngày hôm nay để biết thêm về bệnh đốm đen trên cây hoa hồng.

 

Nguyên nhân gây bệnh:

Bệnh đốm đen trên hoa hồng do nấm Marssonina rosae hay Diplocarpon rosae gây ra.

Loại nấm này thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết bất lợi: nắng mưa thất thường hoặc nắng nóng kéo dài, sương mù kéo dài liên tục trong nhiều ngày, điều kiện ẩm ướt, mưa nhiều, độ ẩm cao, nhưng ở vùng khí hậu khô cũng gặp phải nó vào một thời điểm nào đó.

 

Nấm bệnh tồn tại trong đất, nước, dụng cụ làm vườn, tàn dư cây bệnh từ mùa vụ trước, từ đó dễ dàng xâm nhập và tấn công vườn hoa hồng. Gió mạnh làm lây lan bào tử nấm từ cây bệnh sang cây khác.

Bệnh cũng có thể xuất hiện tại những vườn chăm sóc không đúng cách, vườn trồng với mật độ quá dày đặc, vườn không thông thoáng, thiếu ánh sáng, vườn không được vệ sinh sạch sẽ, tưới nước quá nhiều hay tưới vào ban đêm, dùng phân bón không hợp lý.

 

Các triệu chứng và tác hại của bệnh trên cây hoa hồng:

Bệnh thường lây lan từ dưới đi lên nên những lá giá sẽ có dấu hiện bệnh đầu tiên. Các đốm đen nhỏ xuất hiện trên lá, sau đó lan dần ra và lan lên các lá non, thân và nụ hoa phía trên.

 

Vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ màu nâu đen hoặc đen trên lá có đường kính khoảng 0.5 – 1 cm. Sau vài ngày vết bệnh lớn dần và lây lan sang những lá khác, cây khác trong vườn; những đốm đen này không có hình dạng nhất định.

 

Cây dần mất đi khả năng quang hợp, lá cây bắt đầu biến màu, chuyển sang màu vàng, lá dễ bị rụng, nếu bị bệnh nặng thì toàn bộ lá phía dưới sẽ rụng hết chỉ còn lại vài lá lưa thưa trên ngọn cây, cây sinh trưởng và phát triển kém, còi cọc.

Cây bị bệnh nặng có thể rụng hết lá, cây bị mất sức và chết dần. Giảm khả năng ra hoa, chất lượng hoa giảm sút, kích thước hoa nhỏ, màu sắc không đẹp, hoa bị biến dạng, nở không đều gây ảnh hưởng đến kinh tế của bà con canh tác.

Bệnh cũng có thể xuất hiện trên thân hoặc cành của cây, khiến thân, cành bị đen và khô.

 

Nếu như không phát hiện bệnh kịp thời, cây hoa hồng sẽ bị nhiễm bệnh khiến chúng mất sức sống, sức đề kháng giảm, từ đó dễ dàng để các loại nấm khác xâm nhập.

Biện pháp phòng trừ:

  • Chọn cây giống sạch bệnh, khỏe mạnh, phù hợp với điều kiện đất và khí hậu tại nơi trồng.
  • Trồng cây tại các vùng đất thông thoáng, có nhiều ánh nặng mặt trời từ 6 – 8 tiếng mỗi ngày.
  • Trước khi trồng nên vệ sinh vườn sạch sẽ, cắt cỏ, dọn sạch tàn dư trên mặt đất… để hạn chế mầm bệnh lây lan, loại bỏ nấm bệnh của mùa vụ trước đó.
  • Thiết kế luống, liếp trồng hồng cao ráo, để vườn có thể thoát nước tốt trong mùa mưa.
  • Trồng cây với khoảng cách thích hợp, cây có không gian sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh, hạn chế sự lây lan của mầm bệnh.
  • Thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình bệnh xuất hiện trên các bộ phận của cây, nhất là khi vào những ngày thời tiết thất thường… để có biện pháp phòng và trị kịp thời, tránh trường hợp bệnh chuyển nặng rồi mới bắt đầu trị.
  • Cắt tỉa cành, tạo tán, cắt tỉa bỏ những cành bị sâu bệnh, khô héo, cành nằm khuất trong tán lá, cảnh nhỏ li ti không có khả năng ra hoa, cành nằm sát mặt đất… Những bộ phận bị bệnh nặng thì nên nhanh chống cắt bỏ và tiêu hủy ngay để tránh sự lây lan.
  • Tưới nước cho vườn cây với lượng nước vừa đủ và đúng thời điểm, tránh để đất quá khô hoặc quá ướt trong một thời gian dài, tùy theo từng vùng canh tác và khí hậu mà có lượng nước tưới hợp lý, tránh tưới nước trực tiếp lên lá cây.
  • Nên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh, cải tạo đất,... giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, tặng lượng vi sinh vật có lợi trong đất, đất phì nhiêu, màu mỡ, cây xanh tốt, có sức đề kháng cao chống lại sâu bệnh hại.
  • Không nên dùng quá nhiều phân bón hóa học. Dùng vôi bột hay thuốc có chứa hoạt chất tricoderma để bón cho đất, giúp đất khử khuẩn, khử chua, tiêu diệt nấm bệnh và côn trùng có hại trong đất.
  • Dụng cụ làm vườn sau khi sử dụng cần được vệ sinh sạch sẽ để tránh lây lan mầm bệnh.
  • Nên phun phòng trừ nấm bệnh và côn trùng gây hại định kỳ.
  • Nhà vườn có thể phun xịt các chế phẩm phòng trị bệnh có chứa các hoạt chất như DIFENOCONAZOLE, PROPICONAZOLE, HEXACONAZOLE, CHLOROTHALONIL,… để phòng trừ bệnh đốm đen.

*** Khuyến khích nhà vườn thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách khi sử dụng thuốc.

*** Khuyến khích bà con trang bị dụng cụ bảo hộ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi phun xịt thuốc.

Kính chúc quý ông bà cô chú anh chị nhà vườn sẽ có vụ mùa năng suất cao và bội thu!

► Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết này. Nếu muốn tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác, xin mời các bạn truy cập vào trang web Thiên Hà WTO của chúng tôi mỗi ngày nhé !  

 Nguồn : Thiên Hà WTO Tổng Hợp.   


THIÊN HÀ WTO TẬN TÂM - UY TÍN - CHẤT LƯỢNG

Mọi thắc mắc Nhà Nông xin liên hệ :

CÔNG TY CP XNK THIÊN HÀ WTO️ 

Đường số 4, KDC Tây Đô Ecopark, Ấp Phú Thạnh, Xã Tân Phú Thạnh, Huyện Châu Thành A, Tỉnh Hậu Giang.

Hotline: 0785.288.289 - 0702.269.289

XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN.

 

 

- Bài viết đã được phê duyệt bởi CTy CP XNK Thiên Hà WTO

- Người đăng bài : Hồng Xuyên

Giỏ hàng Hotline Facebook Messenger Zalo Zalo