BỆNH CHỔI RỒNG TRÊN CÂY NHÃN

Nhãn cùng họ với cây vải, chôm chôm. Là cây ăn quả lâu năm dễ trồng, thích ứng rộng, phát triển tốt ở khí hậu nhiệt đới. Nhãn được trồng ở Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Nhãn chứa nhiều dinh dưỡng, có thể ăn tươi, sấy khô hay đóng hộp. Cây nhãn đang được phát triển mạnh về diện tích trồng trong những năm gần đây do hiệu quả kinh tế cao. Song song với sự gia tăng diện tích, dịch hại trên cây nhãn cũng ngày càng trở nên trầm trọng. Trong đó, bệnh chổi rồng là căn bệnh phổ biến và gây hại nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây, bên cạnh đó còn ảnh hưởng nặng đến năng suất và chất lượng trong mỗi mùa vụ.

 

Nguyên nhân gây bệnh:

Bệnh chổi rồng là 1 loại bệnh do vi khuẩn gây ra. Bệnh tấn công và gây hại trên các đọt non và hoa nhãn, tạo nên hiện tượng mọc thành chùm của lá hoặc hoa. Chính vì vậy chúng được gọi là chổi rồng hay còn được gọi là bệnh “đầu lân” hay “xù ngọn”.

Bệnh chổi rồng gây hại trên nhãn qua 2 con đường:

– Qua nhân giống vô tính: ghép, chiết cành từ các cây bị bệnh.

– Qua môi giới truyền bệnh là nhện lông nhung hại nhãn. Nhện lông nhung rất nhỏ, không nhìn thấy bằng mắt thường. Vòng đời của nhện lông nhung khoảng 8-15 ngày, một năm sinh sản 13-15 thế hệ. Nhện gây hại nặng nhất trong những tháng mùa nắng (tháng 4-5 và tháng 11-12), nhện gây hại và truyền bệnh từ rất sớm (chồi non và nụ hoa). Khi không có đọt non, lá non chúng chích hút trên lá già nhưng không biểu hiện rõ triệu chứng, chúng sẽ lưu tồn và tấn công khi cây ra chồi non.

 

Vườn nhãn trồng với mật độ dày, tán lá rậm rạp, vườn ít được chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng cách như sử dụng phân bón không cân đối hoặc chứa quá nhiều đạm, không thường xuyên cắt tỉa cành cây, vườn thiếu nước vào mùa nắng, không thường xuyên dọn dẹp vệ sinh vườn… có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bệnh phát triển và gây hại nghiêm trọng hơn cho cây.

Bệnh phát sinh, phát triển và lây lan nhanh trong những tháng mùa nắng, bệnh nhẹ hơn trong mùa mưa.

 

Triệu chứng của bệnh:

– Bệnh xuất hiện trên các lá non, chồi non và chùm hoa làm chồi, lá, hoa không phát triển được, chồi non, lá non và chùm hoa bị xoắn lại, mọc thành chùm với nhiều nhánh nhỏ biến dạng, cong queo, co cụm lại như bó chổi.

– Các phân đoạn trên cành, lá, chùm hoa đều ngắn và nhỏ lại, nhìn từ xa như dạng tổ chim hoặc bó chổi. Các bộ phận bị bệnh phát triển kém và thoái hoá, sau đó dẫn đến khô và chết.

 

Hậu quả:

Bệnh chổi rồng gây hại trên chồi non và chùm hoa làm các bộ phận này không phát triển, hoa bị xoắn lại, màu sáng, tỷ lệ đậu trái rất thấp, trái nếu có đậu cũng không phát triển, khô dần rồi rụng.

Bệnh chổi rồng có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào trên cây nhãn, nhanh chóng lây lan khắp vườn, làm suy giảm năng suất do cây không đậu quả

Bệnh phát triển và gây hại mạnh có thể làm tổn thất cả mùa vụ gây tổn thất nặng nề về kinh tế của bà con

 

Biện pháp phòng trừ:

  • Có biện pháp canh tác, kỹ thuật chăm sóc hợp lý, không trồng cây trong vườn quá dày để cây có không gian sinh trưởng và phát triển tốt.
  • Thăm vườn thường xuyên để theo dõi tình hình phát triển và bệnh hại xuất hiện trên vườn, cắt tỉa cành, tạo tán, cắt tỉa bỏ những cành bị bệnh, cành nằm khuất trong tán lá… để cây nuôi tốt các bộ phận khỏe mạnh.
  • Cắt cỏ, dọn sạch rác, tàn dư trên mặt đất, không để vườn cây quá ẩm ướt, um tùm, rậm rạp, hạn chế sự trú ngụ của mầm bệnh…
  • Cần có quy trình tưới nước hợp lý, không nên tưới quá nhiều nước trong 1 lần, không để vườn cây quá khô hay quá ướt trong thời gian dài, cần có rãnh thoát nước trong vườn để tránh ứ đọng nước.
  • Không lạm dụng các loại phân thuốc hóa học. Nên dùng các loại phân bón hữu cơ, vi sinh, vi lượng, cải tạo đất trồng… để đất có đầy đủ các chất dinh dưỡng, vi sinh vật có lợi trong đất phát triển, pH đất được ổn định, cây xanh tốt, khỏe mạnh, đề kháng cao…
  • Dùng vôi bột hay các loại phân thuốc chứa Tricoderma để tưới cho cây, tiêu diệt các loại nấm bệnh tồn tại trong đất.
  • Nên phun phòng trừ nấm bệnh và côn trùng gây hại cho vườn cây định kỳ, không nên để bệnh quá nặng rồi mới bắt đầu trị.
  • Quý bà con có thể sử dụng các hoạt chất như Pyridaben, Imidacloprid, Diafenthiuron để phòng trị nhện lông nhung gây cho vườn cây nhãn. Ngoài ra, quý nhà vườn có thể sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất như Hexaconazole, Propiconazole, Difenoconazole, Dimethomorph, Mancozeb… để phòng trừ bệnh chổi rồng cho vườn cây.

*** Khuyến khích nhà vườn thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách khi sử dụng thuốc.

*** Khuyến khích bà con trang bị dụng cụ bảo hộ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi phun xịt thuốc.

Kính chúc quý ông bà cô chú anh chị nhà vườn sẽ có vụ mùa năng suất cao và bội thu!

► Cảm ơn bà con đã quan tâm và theo dõi bài viết. Hy vọng bài viết này sẽ đem lại cho bà con những kiến thức bổ ích trong quá trình canh tác nông nghiệp. Nếu muốn tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác, xin kính mời quý bà con truy cập vào trang web Thiên Hà WTO của chúng tôi mỗi ngày nhé !  

Nguồn : Thiên Hà WTO Tổng Hợp.   


THIÊN HÀ WTO TẬN TÂM - UY TÍN - CHẤT LƯỢNG

Mọi thắc mắc Nhà Nông xin liên hệ :

CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT NHẬP KHẨU THIÊN HÀ WTO️ 

Đường số 4, KDC Tây Đô Ecopark, Ấp Phú Thạnh, Xã Tân Phú Thạnh, Huyện Châu Thành A, Tỉnh Hậu Giang.

Hotline: 0785.288.289 - 0702.269.289

XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN.

 

 

 

- Bài viết đã được phê duyệt bởi CTy CP XNK Thiên Hà WTO

- Người đăng bài : Hồng Xuyên

Giỏ hàng Hotline Facebook Messenger Zalo Zalo