Bệnh ghẻ cây có múi, nhất là trên trái là nỗi lo lớn của bà con nông dân. Bởi ghẻ trái làm mất giá trị thương phẩm của cây. Mời bạn và nhà nông cùng Thiên Hà WTO tìm hiểu về bệnh ghẻ gây hại trên cây có múi trong bài viết sau đây nhé !
⇒ Có ba loại bệnh ghẻ trên cây trồng đó là ghẻ lồi, ghẻ lõm, ghẻ loét.
1. Dấu hiệu nhận biết ghẻ lồi:
- Trên lá: Vết bệnh ban đầu là đốm nhỏ màu vàng, dạng giọt dầu nổi gò trên bề mặt. Vết bệnh về sau có màu hồng nâu, vẫn tiếp tục gò lên bề mặt lá, mặt dưới lá lõm vào. Bị lồi nặng lá có triệu chứng biến dạng, co rúm lại và nhăn nheo.
- Trên trái: Đặc biệt là trái non, nổi các gờ sần sùi hình chóp nhọn, có màu vàng nâu. Vết ghẻ hoá bần, riêng biệt phân tán hoặc nối nhau làm vỏ trái dày bị méo mó và biến dạng trái.
- Trên cành: Vết bệnh to hơn, kéo dài, rời rạc hoặc tập trung dày đặc. Vết bệnh ghẻ nhám làm khô cành rụng lá. Nếu bị trên bầu hoa, vết bệnh sẽ có màu xanh nhạt hoặc xám, nặng làm rụng bầu hoa.
2. Điều kiện phát triển bệnh:
- Bào tử nấm bệnh được phóng thích trực tiếp từ các vết bệnh trên cành, lá và trái. Điều kiện ẩm ướt từ 1 – 2 giờ là đủ để nấm bệnh sản sinh bào tử và chỉ cần từ 3 – 4 giờ để lây nhiễm.
- Bệnh phát tán và lây lan bào tử thông qua gió, nước mưa và nước tưới. Bệnh thường gây hại nặng trên những chồi và lá non.
- Điều kiện nóng ẩm và nhiệt độ tương đối thấp trong mùa mưa, đặc biệt là những thời điểm giao mùa và những ngày có nắng mưa xen kẽ là điều kiện thích hợp cho bệnh phát triển.
- Đối với những vườn lắp hệ thống tưới phun mưa, việc giảm số lần tưới trong thời kì sinh trưởng tích cực của trái sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
3. Dấu hiệu nhận biết ghẻ lõm:
- Bệnh gây hại chủ yếu trên trái của cây.
- Trên lá: Ban đầu triệu chứng là những vết nâu đỏ nhỏ, hơi gò. Sau đó, vết bệnh bị hoại tử, lõm xuống, tâm giữa vết bệnh màu xám, rìa xung quanh màu nâu đen.
- Trên trái: Trên trái bệnh gây hại chủ yếu vào giai đoạn trái già đến trái chín. Nhiều triệu chứng trên trái, nhưng phổ biến là ban đầu vết bệnh hình tròn nhỏ, lõm xuống, tương tự trên lá tâm giữa vết bệnh màu xám, rìa xung quanh màu nâu đen, có quầng vàng nhẹ xung quanh. Khi vết bệnh về già ta thấy các vết bệnh có màu đen hơi nhô cao.
4. Điều kiện phát triển bệnh:
- Bào tử nấm bệnh có thể phát tán nhờ nước mưa, nước tưới và gió, bào tử theo gió có thể di chuyển xa đến 25m.
- Những lá và trái bị nhiễm bệnh (nhưng chưa biểu hiện triệu chứng bên ngoài) là mấu chốt của việc lây nhiễm mầm bệnh đến những nơi xa hơn.
5. Dấu hiệu nhận biết ghẻ loét:
- Trên lá: Ban đầu vết bệnh là những chấm nhỏ sủng nước màu trắng vàng, khi phát triển mạnh vết bệnh lõm xuống và viền xung quanh nổi gờ lên, bên ngoài vết bệnh có thể có quầng màu vàng hoặc màu nâu đen. Bệnh thường không làm lá bị biến dạng như bệnh ghẻ lồi nhưng bệnh nặng dễ làm lá rụng sớm.
- Trên trái: Vết bệnh ghẻ loét màu nâu đậm hơn trên lá, có gờ nổi lên ở mép ngoài, rìa vết bệnh. Vị trí loét không ăn quá sâu vào thịt trái. Bệnh ghẻ loét nặng làm trái khô, biến dạng và ít nước.
- Trên cành: Tương tự như trên lá, nhưng sần sùi to hơn và rõ hơn trên lá, cá biệt có những vết bệnh kéo dài tới 15 cm trên thân cây.
6. Điều kiện phát triển bệnh:
- Vi khuẩn gây bệnh có thể xâm nhập qua khí khổng và các vết thương tạo ra do sâu vẽ bùa, do tác động của gió, vết thương do xây sát lúc thu hoạch...Bệnh gây hại phổ biến trên lá bánh tẻ và lá già. Các triệu chứng thường xuất hiện sau 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh.
- Vi khuẩn gây bệnh tồn tại trên các vết bệnh cũ và các lá đã rụng, các tế bào vi khuẩn có thể phát tán nhờ vào nước mưa và nước tưới, sự lây nhiễm xảy ra nhanh chóng trong điều kiện có mưa và gió lớn. Bệnh có thể gây hại quanh năm và phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm và nhiệt độ từ 26 – 35oC. Trên các vết bệnh đã cũ có thể xuất hiện 1 loại nấm hoại sinh màu trắng phát triển trên vết bệnh.
7. Biện pháp phòng trị:
- Không trồng cây với mật độ quá dày.
- Thường xuyên thăm vườn, dọn cỏ, dọn dẹp vệ sinh cho vườn sau mỗi đợt thu hoạch.
- Bón phân cân đối, sử dụng nhiều phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ sinh học để giúp cây phát triển khỏe, tăng đề kháng với sâu bệnh hại. Không sử dụng phân hữu cơ tươi để bón cho cây vào mùa mưa, sẽ rất dễ phát sinh nhiều loại bệnh.
- Phát hiện sớm, xác định đúng tác nhân gây bệnh để sử dụng thuốc hợp lý. Đặc biệt thường xuyên kiểm tra vườn vào những giai đoạn mẫn cảm với bệnh: khi cây đang ra lá non, cành non, trái non; sau những trận mưa lớn hoặc những ngày có nắng mưa xen kẽ.
- Khi vườn đã xuất hiện bệnh cần cắt tỉa cành bệnh, thu gom cành lá bệnh ra khỏi vườn trước khi phun thuốc.
- Đối với ghẻ lồi, ghẻ lõm: Sử dụng thuốc trừ nấm có khả năng đặc trị bệnh ghẻ
- Đối với ghẻ loét: Sử dụng thuốc trừ khuẩn thích hợp.
► Để phòng trị ba loại bệnh ghẻ này một cách hiệu quả thì bà con nên sử dụng thuốc phòng trị bệnh kết hợp với thuốc vi lượng. Dùng thuốc phòng trị bệnh giúp cây tiêu diệt những loại nấm và vi khuẩn gây hại, còn thuốc vi lượng giúp cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết, tăng sức đề kháng cho cây.
► Vào mùa mưa thì bà con nên phun thuốc từ 2-3 lần, phun thuốc lần 2 cách lần 1 từ 7 - 10 ngày. Nên phun phòng trong giai đoạn lá lụa chuyển sang lá già, khi bệnh chớm xuất hiện.
*** Khuyến khích nhà vườn theo nguyên tắc 4 đúng : Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách.
*** Khuyến khích nhà vườn sử dụng biện pháp an toàn khi phun xịt thuốc:
- Đeo găng tay.
- Mang khẩu trang.
- Mang đồ bảo hộ.
- Mặt nạ bảo hộ.
- Mang ủng.
- Đọc kĩ hướng dẫn trước khi dùng .
- Chuẩn bị dụng cụ phung và trang bị bảo hộ.
- Pha thuốc đúng liều.
- Không phun thuốc ngược chiều gió (phun xuôi theo chiều gió).
- Thay quần áo , tắm rửa sạch sẽ sau khi phun.
- Bảo quản thuốc đúng cách.
- Rửa tay sạch sẽ sau khi phun.
► Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết này. Nếu muốn tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác, xin mời các bạn truy cập vào trang web Thiên Hà WTO của chúng tôi mỗi ngày nhé !
Kính chúc bà con có một vụ mùa bội thu !
THIÊN HÀ WTO TẬN TÂM - UY TÍN - CHẤT LƯỢNG
Mọi thắc mắc Nhà Nông xin liên hệ :
Hotline: 0785.288.289
XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN.
- Bài viết đã được phê duyệt bởi CTy CP XNK Thiên Hà WTO
- Người đăng bài : Giang Thanh