Cũng như tất cả các loại cây ăn trái khác, sau mỗi vụ thu hoạch, cây sầu riêng cần được chăm sóc tốt để phục hồi sức khỏe và chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Sau khi hoàn thành một mùa vụ, cây sầu riêng đã bị suy yếu, kiệt sức bởi cây đã phải dốc toàn lực để nuôi bông và nuôi trái suốt một thời gian dài. Kèm theo đó cây phải chịu những ảnh hưởng từ việc bị cắt nước để làm bông, ngộ độc phân và các chất kích thích sinh trưởng.
Giai đoạn hồi phục cho cây sau thu hoạch là giai đoạn rất quan trọng. Nó là bước nền móng cho các giai đoạn tiếp theo trên cây trồng. Xử lý đúng giúp cây nhanh hồi sức sau thời gian nuôi quả, hồi phục lại bộ rễ, bộ lá, quản lý sâu bệnh hại, cải tạo lại đất sau quá trình chăm sóc... kích thích cho cây sầu riêng ra đọt để nuôi hoa, trái trong vụ tới.
Để cây có thể hồi phục tốt, khỏe mạnh thì nhà vườn cần có một chế độ chăm sóc sau thu hoạch hợp lý cho cây. Bài viết hôm nay Thiên Hà WTO sẽ cung cấp cho người dân trồng sầu riêng các quá trình cũng như kỹ thuật chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch tiếp tục cho sai trái, năng suất cao nhé.
1. Giai đoạn đầu chăm sóc sầu riêng sau thu hoạch :
- Giai đoạn nghỉ của cây sầu riêng sau thu hoạch:
Theo kinh nghiệm lâu năm của những nhà vườn trồng sầu riêng thì cách tốt nhất để phục hồi cây sầu riêng sau mỗi vụ thu hoạch cần cho cây sầu riêng nghỉ ngơi từ 10 đến 15 ngày. Đó là giai đoạn để cây ngưng lại và không dễ bị sốc khi bắt đầu thúc phân đón vụ tiếp theo.
Vào giai đoạn này nên chỉ chú ý đến việc dọn dẹp xung quanh vườn, đặc biệt là dọn dẹp cỏ dại, để vườn thông thoáng và hạn chế côn trùng tấn công cây ở giai đoạn nhạy cảm này.
2. Tỉa cành, tạo tán :
- Sau khi thu hoạch, cây trồng không thể hấp thụ dinh dưỡng ngay lập tức. Vì vậy bón phân ngay sau khi thu hoạch có thể gây ngộ độc cho cây. Nhà vườn nên cắt tỉa cành, tạo tán, cải tạo đất trong 7-10 ngày, sau đó bà con bắt đầu bón phân.
- Tỉa cành còn giúp kích thích cho cây sầu riêng ra đọt tập trung, giúp cho cây phục hồi khả năng sinh trưởng ở vụ tiếp theo.
- Việc tỉa cành kết hợp với sửa tán giúp hoa được thụ phấn được dễ dàng; ánh sáng có thể xuyên qua cây, giảm ẩm độ, hạn chế khả năng phát triển nấm bệnh gây hại cho cây.
- Bà con nên tỉa bỏ cành sâu, bệnh; cành khô, ốm yếu, khả năng cho quả kém; cành trong tán, cành vượt che khuất ánh sáng; cần đảm bảo cây sầu riêng thông thoáng để gió và nắng có thể len vào cây những cành mọc cách mặt đất 0.5- 1m cũng cần được tỉa bỏ để hạn chế bệnh nứt thân xì mủ; cành có tàn dư cuống trái, cành chồng chéo lên nhau.
3. Cải tạo đất và bón phân hợp lý :
- Sau một vụ mùa nhà nông sử dụng rất nhiều phân bón, đặc biệt là 1 tháng trước thu hoạch. Cộng với việc xiết nước cuối thời điểm thu hoạch làm cho mặt đất bị khô, chai cứng, khả năng hấp thu nước kém. Do đó bà con cần làm tơi xốp bề mặt đất để dung dịch phân bón đi sâu vào vùng rễ bên dưới, mang lại hiệu quả tối ưu.
- Bà con nên xới nhẹ bề mặt để giúp đất thông thoáng; bón vôi giúp giảm độ chua của đất. Một gốc nên rải vôi từ 3 – 5kg.
- Để phục hồi nhanh, yếu tố dinh dưỡng là rất cần thiết. Phân bón không chỉ giúp phục hồi cây mà còn là yếu tố quyết định đến năng suất vụ tiếp theo.
- Sử dụng phân hữu cơ và phân cải tạo đất giúp cho đất tơi xốp, thông thoáng, tăng số lượng vi sinh vật trong đất, cây sẽ dễ hấp thu chất dinh dưỡng, giúp cây phục hồi nhanh, tăng sức đề kháng chống lại nấm bệnh.
4. Chăm sóc rễ sầu riêng :
Để hấp thụ nước và chất dinh dưỡng tốt, nông dân nên kích thích phát triển rễ sau khi thu hoạch. Bởi thời gian nuôi trái, rễ đã bị nhiều tổn thương và thiếu chất dinh dưỡng. Bà con nên sử dụng chế phẩm kích rễ để phát triển rễ, rễ khỏe thì cây mới khỏe; và khả năng hấp thụ dưỡng chất cũng tốt hơn.
5. Xử lý nấm, sâu bệnh hại cây trồng :
- Xử lý nấm và sâu bệnh hại sau khi thu hoạch cực kỳ quan trọng. Nếu không xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của sầu riêng. Bên cạnh đó, những vết thương do quá trình thu hoạch trái cũng mở đường cho nấm khuẩn tấn công mạnh mẽ.
- Bà con nên tiến hành phun phòng nấm trên thân, cành và lá của cây. Phòng trừ các loại bênh thường xuất hiện trên cây sầu riêng như thán thư, nấm hồng, rỉ sắt,…; các loại côn trùng gây hại như rầy xanh, nhện đỏ, bọ trĩ,…
6. Quản lý nước tưới :
- Tưới nước là điều kiện cần phải có trong quá trình chăm sóc sầu riêng. Nên tưới nước đầy đủ vào mùa khô và có nơi thoát nước vào mùa mưa. Tránh trường hợp ngập úng gây hại rễ, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và sâu bệnh phát triển.
- Không nên sử dụng nước nhiễm mặn để tưới cây cũng như chăm sóc sầu riêng. Nên tủ gốc, giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô,… hoặc giữ mực nước trong luống ổn định từ 60-80cm trong suốt năm.
► Hy vọng những chia sẻ trên đã đem lại được những thông tin bổ ích cho bà con. Cảm ơn bà con đã theo dõi bài viết.
Kính Chúc Bà Con có một vụ mùa bội thu và trúng giá !
Nguồn : Thiên Hà WTO tổng hợp
THIÊN HÀ WTO TẬN TÂM - UY TÍN - CHẤT LƯỢNG
Mọi thắc mắc Nhà Nông xin liên hệ :
Hotline: 0785.288.289
XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN.
- Bài viết đã được phê duyệt bởi CTy CP XNK Thiên Hà WTO
- Người đăng bài : Giang Thanh