SÂU ĐỤC THÂN HẠI CÀ PHÊ

Cây cà phê là một loại cây trồng quan trọng mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân, luôn làm hài lòng các vị khách hàng khó tính trên toàn cầu bởi hương vị thơm ngon và đặc trưng riêng biệt. Chiếm thế mạnh trong thị trường xuất khẩu nước ta. Từ đầu tháng 05/2024 – tháng 07/2024 giá cà phê không ngừng tăng mạnh lập kỉ lục về giá tăng trong nhiều thập kỉ qua. Song song với giá trị của cây cà phê mang lại thì việc canh tác, chăm sóc cây cà phê cần phải được đặt biệt chú ý đến nhất là việc quản lý tốt sâu bệnh hại. Các đối tượng sâu bệnh thường gây hại ở các thời điểm khác nhau và cách gây hại cũng khác nhau, do đó cần phải nắm được đặc điểm gây hại để có biện pháp phòng trừ thích hợp với từng đối tượng và bảo vệ được cây. Trong đó, sâu đục thân trên cây cà phê là một trong những vấn đề nghiêm trọng, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với cây trồng và năng suất mùa vụ. Việc phát hiện và đối phó với loại đối tượng dịch hại này là điều cực kỳ quan trọng để bảo vệ sự sinh trưởng và phát triển của cây, cũng như đảm bảo năng suất và chất lượng của hạt cà phê. Do đó để kiểm soát bệnh hiệu quả, bà con cần nắm rõ đặc điểm, tác hại, biện pháp phòng trừ khi cây cà phê bị sâu đục thân tấn công. Sau đây xin mời quý bà con cùng theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu rõ hơn cùng Thiên Hà WTO:

1. ĐẶC ĐIỂM CỦA SÂU ĐỤC THÂN HẠI CÀ PHÊ

Sâu đục thân thường có 3 loại là sâu mình trắng, sâu mình hồng, sâu mình đỏ. Chúng hoạt động quanh năm, gây hại mạnh vào thời điểm nhiệt độ cao, nắng nóng, nhiều ánh sáng, các vườn cà phê ít rậm rạp, cây thưa lá, già cỗi, hở thân, thiếu cây che bóng.

- Sâu đục thân mình trắng

+ Đặc điểm hình thái:

Vòng đời của sâu đục thân mình trắng từ trứng - sâu non - trưởng thành.

Trứng có hình bầu dục, thon dài, ban đầu màu trắng sữa khi gần nở sẽ chuyển sang màu vàng ngà.

 Sâu non có màu trắng ngà, sâu non có chiều dài từ 2 - 2,5 mm, sâu lớn thường có màu xanh đen, không có chân, toàn thân gồm nhiều đốt, mỗi đốt là có cơ khỏe để di chuyển, có lông tơ rất nhỏ, răng cứng khỏe, đục vào thân, phần gỗ, làm cây cà phê chết. Sâu phát triển quanh năm và thường gây hại nặng vào tháng 4, 5 và 10, 11. Sâu non đục vào vỏ cây thành đường vòng quanh thân và còn ở trong lớp vỏ cây từ 20 – 30 ngày mới đục vào lõi gỗ làm cho phần vỏ bị đục phình lên. Sâu non đục vào thân gỗ tạo thành các đường đi lên hoặc đi xuống, đục đến đâu đùn phân ra phía sau lấp đường đục đến đó.

Trưởng thành là 1 loại xén tóc nhỏ có màu xanh đen, dài 10-15mm, râu đầu thẳng và có nhiều đốt, cánh cứng màu đen, lưng ngực màu vàng xám. Con trưởng thành đẻ trứng vào vết nứt của đoạn cành hoặc thân rải rác hoặc thành từng cụm.

+ Tập tính gây hại:

Các dấu hiệu nhận biết cây bị sâu đục thân mình trắng là toàn bộ lá phía trên ngọn bị vàng héo, các lá phía dưới còn xanh tốt, cây mọc thêm nhiều chồi thân. Trên thân có những đường lằn nổi lên theo vòng, vỏ bị nứt nẻ, trên thân có các lỗ đục nhỏ, có đường nứt đường kính 2-3mm. Do đường đục chạy vòng quanh thân nên ở những cây bị nặng khi gặp gió to rất dễ gãy ngang nơi có vết đục. Làm cây mất đi khả năng lưu dẫn dinh dưỡng, tráo đổi chất, mất khả năng quang hợp, cây không phát triển, héo dần rồi chết đi.

- Sâu đục thân mình hồng

+ Đặc điểm hình thái:

Vòng đời của sâu đục thân mình hồng gồm các giai đoạn: Trứng - Sâu non - Nhộng - Bướm trưởng thành.

Trứng được đẻ vào vỏ cây. Sâu non có thân dài 30-50mm, màu hồng, thân được chia thành nhiều đốt, các đốt cũng là chi để sâu di chuyển, đầu màu đen , răng hàm khỏe, được bao phủ bởi lớp lông trắng. Sâu non biến thành nhộng khi đạt kích thước tối đa, nhộng dài 15-34mm.

Trưởng thành là loài bướm trắng với nhiều chấm nhỏ màu xanh biếc hoặc màu xanh đen, thân dài 20-30mm, màu đỏ và được phủ bằng lớp lông trắng, có 4 cánh và bay khỏe. Bướm cái đẻ trứng vào vỏ cây, sâu non sau đó đục vào giữa thân cây và đùn mạt gỗ ra ngoài. Cây bị hại dễ bị gãy ngang do phần thân trong bị rỗng

Sâu mình hồng gây hại cả cà phê chè và cà phê vối. Suốt vòng đời của sâu đục vào thân và sống bên trong đó, đến khi trưởng thành bay ra ngoài tìm những cây cà phê rậm rạp, những nơi cành lá xanh tốt để đẻ trứng, trứng được đẻ thành từng ổ ở vỏ cây. Sâu đục thân mình hồng phát triển thích hợp ở nhiệt độ 20-28oC, dưới 18oC sâu phát triển chậm.

+ Tập tính gây hại:

Sâu thường phá hại thân hoặc cành cấp 1, cấp 2, gây tổn thương cho cấu trúc và chức năng của cây. Sâu non có thể phá hại từ cây này sang cây khác hoặc cành này sang cành khác, có thể phá hoại trên diện rộng và gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây, thậm chí gây chết cây. Sâu thường gây hại ở cây có tán không cân đối, những vườn không có cây che bóng. Cây cà phê bị sâu đục thân có một số biểu hiện là: Phần lá cà phê phía trên chuyển vàng, khô và rụng. Phần lá phía dưới vẫn xanh tốt và phát triển bình thường. Quan sát thân cây sẽ thấy xuất hiện nhiều lỗ nhỏ có đường kính tầm 2 – 3mm. Phía ngoài miệng của những lỗ này có đùn ra nhiều mạt gỗ. Khi thời tiết xấu, gió to khiến cây cà phê bị gãy ngang thân. Chẻ phần thân gãy ra sẽ thấy những đường rãnh dài và quan sát thấy có sâu nằm phía bên trong.

- Sâu đục thân mình đỏ

+ Đặc điểm hình thái:

Sâu đục thân mình đỏ có chu kỳ sinh trưởng từ trứng, sâu non, nhộng và sâu trưởng thành. Mỗi con sâu trưởng thành có thể đẻ 400 đến 2000 quả trứng ở những phần non của cây cà phê như chồi non, cành, nụ hoa sếp thành hàng, hình bầu dục, và sau khoảng 14 đến 16 ngày trứng sẽ nở ra sâu non. Sâu non đẫy sức dài 30-50mm thân màu đỏ. Nhộng dài 15-34mm vẫn sống trong thân cây. Sâu đục thân mình đỏ non có khả năng di chuyển nhanh, đục vào cành tăm hay đốt non, thường phá hại ở cành cấp 1, cấp 2. Khi lớn hơn khoảng vào tuổi 3 sâu sẽ có khả năng phá hoại cao nhất, có thể đục vào gốc cành của cây cà phê. Sâu non có 6 tuổi, mỗi tuổi 1 lần lột xác, mỗi lần lột xác là một lần di chuyển chỗ ở, tăng khả năng phá hoại,

Trưởng thành là loài bướm trắng với nhiều chấm đen xanh biếc, thân dài 20-30mm, màu đỏ và được phủ bằng lớp lông trắng, bay khỏe.

+ Tập tính gây hại:

Khi bị sâu non tấn công bên ngoài các vết đục đều có vết đùn phân ra ngoài nên rất dễ phát hiện. Khi bị sâu đục thân mình đỏ tấn công cành cà phê sẽ bị héo rũ, và khô dần. Trên cành có quả sẽ bị héo và chín ép trái.

Do đó sâu có thể phá hại rất nhiều cành cà phê .Loài sâu này có thể gây thiệt hại cho cả những phần non của cây như gốc, chồi, nụ, đốt, cành và quả. Làm cây không hấp thụ và trao đổi các chất dinh dưỡng, rụng lá hàng loạt, làm cành trơ trụi, khô gãy cành, chết cây, vườn cây suy yếu, ra hoa đậu quả kém. Mất năng suất ảnh hưởng đến kinh tế nhà vườn.

2. TÁC HẠI CỦA SÂU ĐỤC THÂN

Sâu đục thân xâm nhập vào cây, gây cản trở sự lưu thông của chất dinh dưỡng và nước trong cây. Điều này khiến cây sinh trưởng và phát triển kém. Toàn bộ lá phía trên ngọn bị vàng héo, các lá phía dưới còn xanh. Sâu non có thể đục vào gốc cành, làm cho lá rụng nhiều, cành nhanh bị héo rũ, giòn, khô dần và dễ gãy. Cây mọc thêm nhiều chồi thân, tăng trưởng không đều. có thể gây chết cây non.

Thêm vào đó, các vết rạn nứt và lỗ đục trên thân cây tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm và các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cây.

Cây không được cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng đi toàn thân, gây khó khăn trong việc ra hoa đậu trái. Hậu quả là sản lượng ít, năng suất thấp, chất lượng quả và hạt cà phê cũng không được đảm bảo.

Sâu non có thể tấn công quả. Quả cà phê bị sâu non tấn công sẽ bị héo và chín ép trái làm trái dễ bị lép. Từ đó ảnh hưởng xấu đến giá trị thương mại về chất lượng trái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của nhà vườn. Đồng thời khiến bà con chịu nhiều tổn thất khi cây chết, đổ gãy và hao tổn chi phí loại trừ sâu hại.

3. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Thường xuyên thăm vườn, quan sát vườn để phát hiện sâu trưởng thành và kịp thời xử lý, vệ sinh vườn sạch sẽ.

Trồng thêm những cây che bóng tán rộng để giảm cường độ ánh sáng mặt trời chiếu vào vườn cà phê như: cây sầu riêng, cây bơ sáp,.... Cây che bóng cũng giúp tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thiên địch. Bảo vệ thiên địch, loài ong ký sinh trên giai đoạn sâu non của sâu đục thân mình trắng.

Cắt tỉa cành để cây có được bộ tán lá cân đối và đảm bảo thân cây được che phủ từ trên xuống dưới. Việc này giúp giảm bớt diện tích tiếp xúc của sâu với thân cây, cũng như tăng khả năng thoát nước của cây khi mưa.

Đối với vườn cà phê đang bị sâu đục thân phá hại, cần tiến hành cưa bỏ những đoạn cành, thân cây có sâu đục thân hại để tiêu diệt bằng cách đốt hoặc chẻ thân cây ra, thu sâu non để diệt. Đây là biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn sự lây lan của sâu đến các cây khác.

Bón phân cân đối, đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cây cà phê. Phân bón không chỉ giúp cây phát triển tốt, mà còn tăng sức đề kháng cho cây chống lại các loại sâu bệnh.

Con trưởng thành (bướm, xén tóc) thường bị kích thích và thu hút bởi ánh sáng vì thế có thể dùng bẩy đèn để bắt các con trưởng thành và tiêu diệt vào đầu mùa mưa. Thời điểm này chúng thường ghép đôi và sinh sản.

NGOÀI RA KHUYẾN CÁO BÀ CON SỬ DỤNG THUỐC

  • 1 chai SÂU MỌT RỆP + 2 gói RẦY SỐ 1 pha 400 – 450 lít nước phun cho cây.

*** Khuyến khích nhà vườn thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách khi sử dụng thuốc.

*** Khuyến khích bà con trang bị dụng cụ bảo hộ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi phun xịt thuốc.

Kính chúc quý ông bà cô chú anh chị nhà vườn sẽ có vụ mùa năng suất cao và bội thu!

► Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết này. Nếu muốn tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác, xin mời các bạn truy cập vào trang web Thiên Hà WTO của chúng tôi mỗi ngày nhé !  

 Nguồn : Thiên Hà WTO Tổng Hợp.   


THIÊN HÀ WTO TẬN TÂM - UY TÍN - CHẤT LƯỢNG

Mọi thắc mắc Nhà Nông xin liên hệ :

CÔNG TY CP XNK THIÊN HÀ WTO️ 

Địa chỉ: Đường số 4, KDC Tây Đô Ecopark, Ấp Phú Thạnh, Xã Tân Phú Thạnh, Huyện Châu Thành A, Tỉnh Hậu Giang.

Hotline: 0785.288.289 - 0702.269.289

XIN CHÂN THÀNH CẢM ƠN.

 

- Bài viết đã được phê duyệt bởi CTy CP XNK Thiên Hà WTO

- Người đăng bài : Hồng Xuyên

Giỏ hàng Hotline Facebook Messenger Zalo Zalo