Để đạt hiệu quả cao trong quá trình canh tác sầu riêng, ngoài việc áp dụng kỹ thuật xử lý để cho sầu riêng ra hoa, tỉ lệ đậu trái cao thì việc chăm sóc sầu riêng trong giai đoạn nuôi trái cũng là vấn đề cần được nhà vườn lưu ý đến. Bởi trong giai đoạn này rất dễ gặp phải hiện tượng cây đi đọt khi đang nuôi dưỡng trái.
Cây sầu riêng ra đọt khi đang mang trái là hiện tượng những đọt mới ra cùng lúc với cây đang nuôi trái. Dẫn đến sự canh tranh dinh dưỡng giữa trái và đọt mới. Điều này có thể ảnh hưởng rất nhiều đến việc phát triển của trái, trái non có thể bị rụng hàng loạt hay làm giảm chất lượng trái, trái bị méo mó, giật hộc, trái lớn quá cỡ so với tiêu chuẩn gây ảnh hưởng đến năng suất và giá trị kinh tế.
NGUYÊN NHÂN:
1. Thời tiết: Mưa nhiều và độ ẩm cao dẫn đến cây phát triển mạnh, kích thích đi đọt mới. Lượng nước dồi dào kích thích cây chuyển hóa dinh dưỡng sang bộ lá, dẫn đến tình trạng ra đọt mạnh.
2. Mất cân bằng dinh dưỡng: Bón phân không cân đối, bón thừa đạm nhưng thiếu các chất dinh dưỡng thiết yếu khác là nguyên nhân khiến sầu riêng đi đọt khi mang trái. Đạm kích thích cây phát triển và tập trung dinh dưỡng để nuôi đọt thay vì nuôi trái.
3. Chặn đọt không hiệu quả: Công thức phun chặn đọt không hiệu quả hoặc chặn đọt không đúng thời điểm khiến cây dễ đi đọt hay đi đọt sớm khi mang trái.
4. Số lượng trái trên cây quá ít so với lực cây: Trong giai đoạn này, do thụ phấn kém nên tỉ lệ đậu trái thấp hay do gặp những điều kiện bất lợi gây rụng trái non nên dễ dẫn đến hiện tượng đi đọt do số lượng trái quá ít so với khả năng nuôi trái của cây.
5. Sử dụng thuốc sinh trưởng: Sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng với liều lượng cao. Điều này dễ dẫn đến sầu riêng ra rễ, đi đọt mạnh khi đang mang trái.
HẬU QUẢ:
1. Trái non bị rụng: Giai đoạn này cây cần tập trung dinh dưỡng để nuôi trái vì trái cần một lượng dinh dưỡng lớn để phát triển nhưng khi cây sầu riêng ra đọt mới, cây sẽ phân tác chất dinh dưỡng chỉ tập trung dinh dưỡng nuôi đọt và không đủ dinh dưỡng để nuôi trái. Trái non không đủ dinh dưỡng sẽ phát triển chậm và thậm chí là bị rụng hàng loạt.
2. Méo trái, giật hộc: Sầu riêng ra đọt khi có trái sẽ có sự canh dinh dưỡng làm cho trái sầu riêng bị thiếu hụt dinh dưỡng, khi dinh dưỡng phân bố không đều, dẫn đến hiện tượng méo trái, giật hộc, múi không đều hoặc không đạt kích thước tiêu chuẩn, làm trái bị mất thẩm mỹ, làm giảm chất lượng trái và có giá thành thấp.
3. Trái phát triển quá to: Do mất cân bằng dinh dưỡng hay rụng trái do đi đọt làm cho số lượng trái quá ít so với khả năng nuôi trái của cây, trái sầu riêng có thể phát triển to quá mức do dinh dưỡng tập trung vào các trái còn lại. Trái phát triển quá to thường có vỏ dày, cơm nhiều xơ, ít ngọt, giá thành thấp và rất khó để tiêu thụ.
BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC:
- Bón phân hợp lý: Cân bằng hàm lượng đạm, lân, kali trong giai đoạn nuôi dưỡng trái. Sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, vi lượng để cung cấp dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cây, không sử dụng quá nhiều đạm vào mùa mưa hay khi trái còn quá nhỏ.
- Chặn đọt hiệu quả: Lựa chọn thuốc chặn đọt hiệu quả và chặn đọt đúng thời điểm. Lưu ý chỉ chặn đọt khi cây khỏe, không chặn đọt lúc cây đang yếu, giúp lá xanh dày già tránh tình trạng bị cháy lá.
- Tưới tiêu hợp lý: tưới nước cho cây với lượng nước hợp lý, cần duy trình độ ẩm cho đất vừa phải, tránh tưới ít làm cho đất quá khô hoặc tưới quá nhiều dẫn đến rễ bị ngập úng.
- Bà con có thể bổ sung canxi và bo để giúp cho trái được cứng cáp, dai cuống hạn chế tình trạng rụng trái.
*** Khuyến khích nhà vườn thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách khi sử dụng thuốc.
*** Khuyến khích bà con trang bị dụng cụ bảo hộ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi phun xịt thuốc.
Kính chúc quý ông bà cô chú anh chị nhà vườn sẽ có vụ mùa năng suất cao và bội thu!
► Cảm ơn bà con đã quan tâm và theo dõi bài viết. Hy vọng bài viết này sẽ đem lại cho bà con những kiến thức bổ ích trong quá trình canh tác nông nghiệp. Nếu muốn tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác, bà con có thể truy cập vào trang web Thiên Hà WTO của chúng tôi mỗi ngày nhé !
Nguồn : Thiên Hà WTO Tổng Hợp.