Như quý bà con cũng được biết cây sầu riêng là loại cây khó trồng và cần phải chăm sóc cây đúng kỹ thuật trong quá trình canh tác. Trong suốt quá trình sinh trưởng, cây sầu riêng luôn gặp phải tình trạng bị các loại sâu bệnh hại tấn công, trong đó rệp sáp là một trong những loài gây hại nguy hiểm. Rệp sáp có thể gây hại trên các bộ phận của cây nhưng đặc biệt là vào giai đoạn ra bông đến trái non. Gây ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng trái. Do đó, việc kiểm soát và phòng trừ rệp sáp trong giai đoạn này là rất quan trọng. Xin kính mời bà con cùng Thiên Hà WTO theo dõi hết bài viết để cùng tìm hiểu về tác hại của rệp sáp, cũng như các biện pháp để phòng trừ.
ĐẶC ĐIỂM CỦA RỆP SÁP:
Rệp sáp có hình bầu dục, dài khoảng 3-5 mm, có màu hồng nhạt, cơ thể của chúng được bao phủ bởi một lớp phấn bột trắng, xung quanh mép rìa có nhiều sợi tua. Chúng có vòng đời từ 26 – 40 ngày.
Rệp sáp đẻ trứng thành từng chùm tầm 200 – 250 trứng, một con cái có thể đẻ 600 – 800 trứng. Sau 6 – 10 ngày, trứng nở ra rệp sáp con màu vàng nhạt, trơn, chưa phủ lớp bột trắng. Rệp sau khi nở tầm 2 – 3 ngày chúng nhanh chóng tìm nơi trú ẩn và gây hại.
Rệp sáp thường sống theo bầy đàn và bám vào nhau, chúng di chuyển rất chậm hoặc rất ít di chuyển, vì vậy rệp sáp sống cộng sinh với kiến đen. Kiến sống bằng cách hút chất dịch do rệp thải ra và bảo vệ rệp bằng cách xua đuổi các thiên địch ăn thịt và ký sinh của rệp, sau khi rệp đã hút hết nhựa, kiến sẽ tha rệp đi nơi khác để tiếp tục gây hại.
ĐẶC ĐIỂM GÂY HẠI:
Rệp sáp gây hại quanh năm, đặc biệt sinh sôi và phát triển mạnh vào mùa hè, thời tiết nắng nóng tỉ lệ trứng nở rất cao. Chúng trú ẩn dưới rễ nên nhà vườn sẽ khó nhận biết. Thời điểm biểu hiện rõ nhất là giai đoạn sầu riêng làm bông, xổ nhuỵ và đậu trái non.
Rệp sáp bám vào bề mặt hoa và trái và thực hiện việc chích hút nhựa cũng như chất dinh dưỡng nơi cuống hoa, trái non hoặc giữa các gai trên trái.
BIỂU HIỆN:
Trên bông: Chúng đeo bám và chích hút chất dinh dưỡng, làm teo tóp cuống bông hoặc tấn công trực tiếp vào bông làm bông bị mất màu và héo úa, dễ rụng.
Trên trái non: Khi bị rệp sáp tấn công, trái non sẽ xuất hiện tình trạng gai to, gai nhỏ không đều. Quả bị méo mó, không lớn và dễ bị rụng.
Rệp sáp chích hút nhựa và bài tiết chất dịch ngọt, khiến nấm bồ hóng dễ phát triển, trên bề mặt hoa và trái bị phủ một lớp muội đen. Làm quả xấu gây mất thẩm mỹ và giảm giá trị thương phẩm.
TÁC HẠI:
Bông sầu riêng bị rệp sáp tấn công sẽ bị teo tóp, thiếu hạt phấn, vàng héo, làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn và đậu trái.
Rệp sáp chích hút nhựa gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trái, trái chậm lớn, trái có thể bị biến dạng, méo mó, vỏ trái và gai phát triển không đều, màu sắc không đồng nhất, không đạt chất lượng và có thể bị rụng sớm làm giảm năng suất mùa vụ.
BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ:
Trong vườn trồng sầu riêng hạn chế trồng xen những cây thu hút rệp sáp như: cà phê, tiêu, bơ, na, ổi…
Thăm vườn thường xuyên để theo dõi tình hình phát triển của cây và sự xuất hiện của rệp sáp để có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là giai đoạn cây ra hoa và đậu trái non.
Thường xuyên vệ sinh vườn, quét dọn tàn dư bông khi xổ nhụy để hạn chế sự trú ngụ của côn trùng gây hại.
Nếu thấy trong vườn có kiến thì cần diệt kiến để hạn chế kiến tha rệp sáp từ dưới gốc lên cây và từ cây này sang cây khác. Đồng thời dọn sạch cỏ rác, lá cây mục xung quanh gốc, vì đây là nơi trú ngụ của kiến.
Chủ động thường xuyên cắt tỉa những cành già yếu, cành sâu bệnh, cành nằm khuất bên trong không có khả năng cho trái, cành nằm sát mặt đất,… để vườn luôn được thông thoáng. Cắt bỏ và tiêu hủy đối với các trái bị quá nhiều rệp sáp gây hại để hạn chế lây lan.
Tưới nước cho cây với lượng nước vừa đủ và đúng thời điểm, không ngưng tưới quá lâu hay tưới quá nhiều nước trong 1 lần, nên duy trì độ ẩm hợp lý đối với từng giai đoạn của cây.
Bón phân cân đối, không sử dụng phân thuốc hóa học. Dùng phân bón hữu cơ, vi sinh, vi lượng để bón cho cây giúp cây khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.
Bà con nên sử dụng các dòng thuốc dạng mát để phun cho cây bởi trong giai đoạn này cây rất mẫn cảm do đó bà con không nên sử dụng các dòng thuốc nóng cho cây tránh gây ảnh hưởng dẫn đến tình trạng rụng bông và trái non.
*** Khuyến khích nhà vườn thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách khi sử dụng thuốc.
*** Khuyến khích bà con trang bị dụng cụ bảo hộ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi phun xịt thuốc.
Kính chúc quý ông bà cô chú anh chị nhà vườn sẽ có vụ mùa năng suất cao và bội thu!
► Cảm ơn các bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết này. Nếu muốn tham khảo thêm nhiều thông tin hữu ích khác, xin mời các bạn truy cập vào trang web Thiên Hà WTO của chúng tôi mỗi ngày nhé !
Nguồn: Thiên Hà WTO Tổng Hợp.